Những chiếc đèn lồng ngày Tết tỏa sáng khắp các con đường, ngõ nhỏ, đầy ắp trong những cửa hàng hay đung đưa trước mái hiên nhà tạo nên một Hội An rực rỡ, lung linh để đón chào mùa xuân đến.
Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời. Người Việt tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ đến. Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn. Tết hiện đại, mọi người thường lên kế hoạch cho một chuyến du lịch cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để nghỉ ngơi, thư giãn, gạt bỏ những căng thẳng, lo toan trong một năm làm việc để tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.
Nhắc đến Hội An, người ta bao giờ cũng nghĩ ngay đến Di sản văn hóa độc đáo, bảo tàng cũng như xứ sở của những chiếc đèn lồng. Khác với nhiều nơi trên đất nước, đèn lồng Hội An chính là vật dụng trang trí không thể thiếu nhân dịp Tết Nguyên Đán và nó đã trở thành điểm nhấn tạo nên một Hội An khác biệt hơn bất kỳ nơi đâu. Cùng với những lễ hội văn hóa hết sức đặc biệt, Hội An trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi người trong dịp xuân về.
Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là mặt hàng lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. Những chiếc đèn lồng ngày Tết tỏa sáng khắp các con đường, ngõ nhỏ, đầy ắp trong những cửa hàng hay đung đưa trước mái hiên nhà tạo nên một Hội An rực rỡ, lung linh để đón chào mùa xuân đến. Du khách sẽ đắm mình trong ánh sáng rực rỡ sắc màu ấy như được hòa mình vào sự may mắn và yên bình. Đêm đèn lồng phố cổ Hội An thực sự là món quà vô giá mà mảnh đất, con người nơi đây đã gìn giữ, ban tặng cho mọi người.
Đến với Hội An vào dịp Tết Nguyên Đán, du khách còn được tham dự lễ hội đèn lồng và tham gia thả đèn hoa đăng trên thuyền cùng với những điều ước cầu may mắn cho năm mới.
Lễ hội đèn lồng mỗi năm được tổ chức tại Hội An vào dịp Tết chào đón một mùa xuân đến với nhiều điều mới mẻ và tốt lành. Nhiều loại hình đèn lồng rực rỡ sắc màu sẽ được trưng bày tại các sân nhà trong khu phố cổ, dọc bờ sông và giăng trên khắp các nẻo đường.
Từ cổng chào ấn tượng với cầu treo đèn lồng đủ kích cỡ, màu sắc đẹp huyền ảo, lung linh, chạy dọc theo hai bờ sông về đến trung tâm Quảng trường sông Hoài, người dân và du khách du xuân đến với phố cổ Hội An sẽ được mãn nhãn với lễ hội đèn lồng – sẽ tổ chức thường niên vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán
Cầu An Hội là điểm trung tâm của không gian lễ hội đèn lồng Hội An, với sân khấu nổi trên sông Hoài đượctrang trí bởi những chiếc lọng cổ phát sáng như những chiếc lồng đèn lớn. Lễ rước đèn diễn ra cùng lúc trên sân khấu và dưới sông Hoài, các thuyền nhỏ được trang trí như những chiếc thuyền hoa rước các lồng đèn lên dự thi quanh hai bên bờ cho người xem thưởng lãm.
Từ cầu An Hội đến sân khấu trên sông là các dải lụa đầy màu sắc của hàng trăm chiếc đèn lồng ngày Tết được bố trí dọc hai bên quảng trường sông Hoài với những chiếc đèn lồng cỡ lớn chiếu ánh sáng lung linh xuống lòng sông hòa cùng với hàng nghìn hoa đăng lững lờ trôi tạo cho đêm hội một vẻ đẹp huyền ảo, mang đến một khung cảnh lung linh rực rỡ cho người dân và du khách trong những ngày đầu năm mới.
Lễ hội hoa đăng trên sông Hoài là một nét đẹp trong văn hóa Hội An. Là nơi con người gửi gắm những ước nguyện và hy vọng về sự may mắn một năm an lành. Chỉ cần vài chục ngàn, bạn đã có thể có một chuyến “ngao du sơn thủy” trên thuyền đi dọc sông Hoài với những chiếc đèn hoa đăng thủ công đầy màu sắc trên tay. Ánh sáng nhẹ nhàng phát ra từ hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng và đèn lồng Hội An của mọi người gửi mơ ước đến khắp nơi.
Nhiều kỷ niệm của du khách với đèn lồng tại Hội An đã được ghi lại vào những ngày đầu năm mới. Cùng với những cuộc thi, lễ hội đèn lồng và tham gia thả đèn hoa đăng trên sông, bức tranh rực rỡ sắc màu ấy sẽ trở thành hồi ức khó quên trong lòng du khách trong dịp Tết đến xuân về.
Nguồn: Đèn lồng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét